Triển lãm và tiếp nhận Chiếc bè của chiến thuyền Méduse

Chiếc bè của chiến thuyền Méduse được trưng bày lần đầu tiên tại cuộc triển lãm tranh tại Paris năm 1819 dưới tiêu đề chung chung là Scène de Naufrage (Cảnh tàu đắm), mặc dù chủ đề thực sự của nó không thể nhầm lẫn cho người xem đương đại.[27] Chiếc bè của Géricault là ngôi sao của cuộc triển lãm lần này: "Nó đập vào mắt mọi người và kéo người xem vây quanh nó" (Le Journal de Paris). Vua Louis XVIII đã đến thăm cuộc triển lãm ba ngày trước khi khai mạc, và theo như tường trình cho hay "Monsieur, vous venez de faire un naufrage qui n'en est pas un pour vous",[45] tạm dịch là "Thưa ngài (Géricault), con tàu đắm của ngài nhất định không gặp tai ách".[46] Những nhà phân tích đều khá chia rẽ: sự rùng rợn và "terribilità"[Ghi chú 7] của đối tượng đem lại cho nó sự quyến rũ, nhưng điều đó không được những tín đồ trường phái cổ điển đồng tình, họ tỏ ra không thích thú với những gì họ mô tả như một "đống xác chết", chủ nghĩa hiện thực mà họ cho là khác xa với "vẻ đẹp lý tưởng" được Girodet đại diện trong tác phẩm Pygmalion và Galatea (chiến thắng cùng năm đó). Tác phẩm của Géricault đã đối mặt với một nghịch lý lớn của hội họa: Làm thế nào để một chủ đề kinh hãi và thậm chí "ghê tởm" như thế có thể trở thành một tác phẩm mỹ thuật được tán dương? Làm thế nào để nghệ thuật hoà hợp được với thực tế? Coupin Marie-Philippe de la Couperie, một họa sĩ Pháp cùng thời với Géricault nói rằng: "Ngài Géricault đã nhầm rồi. Mục tiêu của vẽ tranh là nói những điều đẹp đẽ bằng tâm hồn và con mắt, thay vì gây ra cảm giác khó chịu gớm tởm như thế". Nhưng bức tranh vẫn được rất nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có nhà văn kiêm nhà phê bình nghệ thuật Auguste Jal, một người không tiếc lời ca ngợi chủ đề mang tính chính trị chống đối và ý thức đòi tự do của nó (bênh vực người thấp cổ bé họng, phê phán chủ nghĩa bảo hoàng cực đoan). Nhà sử học Jules Michelet còn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi ông cảnh báo xã hội đương thời: "Toàn bộ xã hội chúng ta đang đi trên chiếc bè Méduse [...]."[2]

Chiếc bè của chiến thuyền Méduse tại Salon Carré ở Louvre của Nicolas Sebastien Maillot, 1831, Louvre, miêu tả chiếc bè của Géricault được treo bên cạnh những tác phẩm của Poussin, Lorrain, RembrandtCaravaggio[47]

Géricault đã cố tình tìm kiếm sự đối đầu cả về mặt nghệ thuật lẫn chính trị. Các nhà phê bình đã phản ứng với cách tiếp cận ngông cuồng của Géricault một cách tử tế. Phản ứng của họ là chống đối hoặc khen ngợi, tùy thuộc vào người viết đồng cảm với quan điểm ủng hộ của hoàng gia Bourbon hay chủ nghĩa tự do. Bức tranh được xem là đã thể hiện sự đồng cảm với những con người trên bè và bao gồm cả chính nghĩa chống lại chủ nghĩa thực dân của những con người đã sống sót qua vụ thảm họa là Savigny và Corréard.[15] Quyết định đặt một người da đen ở cực điểm của tác phẩm là một biểu hiện gây tranh cãi về sự đồng cảm với chủ nghĩa bãi nô của Géricault. Nhà phê bình nghệ thuật Christine Riding đã suy đoán rằng Géricault sau này đã lên kế hoạch đưa bức tranh đi triển lãm ở Luân Đôn để tranh thủ sự ủng hộ từ phong trào ủng hộ bãi nô đang diễn ra ở đó.[48] Theo nhà phê bình và giám tuyển nghệ thuật Karen Wilkin, bức tranh của Géricault đóng vai trò như một "bản cáo trạng về những hành động bất lương, dối trá của tầng lớp quan chức của Pháp thời kỳ hậu Napoléon, vốn phần lớn được tuyển dụng từ tầng lớp con ông cháu cha của các gia đình đang còn tồn tại của Ancien Régime (Chế độ cũ)".[21]

Năm 1820, Géricault đã trưng bày thành công bức tranh tại Hội trường Ai CậpPiccadilly, Luân Đôn.

Bức tranh nói chung đã gây ấn tượng mạnh với công chúng xem dù chủ đề của nó khiến nhiều người không ngó tới nó. Điều đó khiến Géricault không đạt được sự đón nhận mà ông đã kỳ vọng.[27] Vào cuối triển lãm, bức tranh đã được ban giám khảo trao tặng huy chương vàng, nhưng họ không cho tác phẩm một phần thưởng thanh thế hơn – lựa chọn nó cho bộ sưu tập quốc gia của Louvre. Thay vào đó, Géricault được đặt vẽ một bức tranh mang chủ đề Thánh Tâm Chúa Giêsu, công việc mà ông đã bí mật chuyển cho Delacroix vẽ, rồi sau khi tác phẩm hoàn thành, ông đã ký tên vào đó và nói tác phẩm đó là do mình đã vẽ.[27] Géricault rút lui về vùng nông thôn, nơi ông suy sụp vì kiệt sức và những tác phẩm không bán được của ông đều đã được cuộn lại và lưu trữ trong xưởng của một người bạn.[49]

Géricault đã sắp xếp cho bức tranh xuất hiện tại triển lãm ở Luân Đôn vào năm 1820, nơi nó được trưng bày từ ngày 10 tháng 6 cho đến cuối năm tại Hội trường Ai Cập của William BullockPiccadilly, Luân Đôn và được khoảng 40.000 lượt khách chiêm ngưỡng.[50] Bức tranh được đón nhận tích cực ở Luân Đôn hơn là tại Paris và nó được ca ngợi như một đại diện cho một hướng đi mới của nền nghệ thuật Pháp. Bức họa nhận được nhiều đánh giá tích cực hơn so với khi nó được trưng bày tại Salon.[51] Cách thức trưng bày bức tranh đã đóng góp một phần vào việc này. Tại Paris, nó được treo tại Salon Carré ở một vị trí khá cao, một lỗi mà Géricault đã nhận ra khi ông nhìn thấy tác phẩm được các thợ nghề đặt bức tranh vào vị trí. Điều này không xảy ra ở Luân Đôn, vì nó được đặt khá sát nền nhà, giúp nó có thể phô diễn hết sự hoành tráng của mình. Ngoài ra cũng có những lý do khác có thể đã khiến nó trở nên nổi tiếng ở Anh như vậy, bao gồm "sự tự khen quốc gia",[52] sự hấp dẫn của bức tranh như là một phương tiện giải trí khủng khiếp[52] và hai vở kịch dựa trên các sự kiện xảy ra với chiếc bè bằng rất nhiều chi tiết từ tác phẩm của Géricault diễn ra trùng thời điểm của cuộc triển lãm.[53] Thông qua triển lãm Luân Đôn, Géricault đã kiếm được gần 20.000 franc, đó là phần của ông nhận được từ khoản lợi nhuận thu về từ tiền vé và nhiều hơn đáng kể so với số tiền mà ông sẽ được trả nếu chính phủ Pháp mua tác phẩm này. Sau triển lãm Luân Đôn, Bullock đã mang bức tranh đến Dublin vào đầu năm 1821. Tuy nhiên, nó đã gặt hái được ít thành công hơn tại cuộc triển lãm đó, chủ yếu là do sự góp mặt của một bức tranh toàn cảnh cùng chủ đề với tên gọi "Xác tàu Medusa" của công ty anh em Marshall, được cho là đã vẽ dưới sự chỉ đạo của một trong những người sống sót sau thảm họa.[54]

Bản sao kích cỡ thật của Pierre-Désiré Guillemet và Étienne-Antoine-Eugène Ronjat, 1859–60, 493 cm × 717 cm, Bảo tàng Picardie, Amiens[55]

Chiếc bè của chiến thuyền Méduse đã được người phụ trách bảo tàng Louvre, Bá tước Forbin, mua lại từ người thừa kế của Géricault sau khi ông qua đời vào năm 1824. Bức tranh hiện đang thống trị căn phòng trưng bày của nó ở Louvre. Dòng chữ ghi chú bên dưới bức tranh ghi rằng "người anh hùng duy nhất trong câu chuyện đầy thương tâm này là nhân loại".[2]

Vào một thời điểm giữa năm 1826 và năm 1830, họa sĩ người Mỹ George Cooke (1793–1849) đã tạo một bản sao của bức tranh với kích thước nhỏ hơn (130.5 x 196.2 cm; khoảng 4 ft × 6 ft). Bức tranh đã được mang đi trưng bày tại Boston, Philadelphia, New YorkWashington DC trước những đám đông có hiểu biết về những tranh cãi xung quanh vụ đắm tàu. Bức tranh đã nhận được nhiều đánh giá tích cực và trở thành nguồn cảm hứng của các vở kịch, thơ, các buổi biểu diễn và thậm chí là cả một cuốn sách thiếu nhi.[56] Nó được một cựu đô đốc tên là Uriah Phillips mua lại. Vào năm 1862, ông đã chuyển giao nó lại cho New-York Historical Society, nơi nó bị phân loại sai thành một tác phẩm của một vị họa sĩ nổi tiếng khác của Hoa Kỳ là Gilbert Stuart. Sai lầm này vẫn không được phát hiện cho tới tận một cuộc điều tra diễn ra vào năm 2006 do Nina Athanassoglou-Kallmy, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Delaware, chỉ đạo. Bộ phận bảo tồn của trường đại học đã tiến hành phục chế lại tác phẩm này.[57]

Do tác phẩm gốc Géricault đang trong tình trạng xuống cấp, bảo tàng Louvre vào những năm 1859–1860 đã ủy quyền cho hai nghệ sĩ người Pháp, Pierre-Désiré Guillemet và Étienne-Antoine-Eugène Ronjat tạo ra một bản sao kích thước giống hệt bản gốc nhằm phục vụ các buổi triển lãm.[55]

Vào mùa thu năm 1939, Méduse đã bị đóng gói để đưa ra khỏi bảo tàng Louvre trước sự bùng nổ của chiến tranh. Một chiếc xe tải chở đồ dùng nhà hát của Comédie-Française đã vận chuyển bức tranh tới Versailles trong đêm ngày 3 tháng 9. Một thời gian sau, Méduse được chuyển đến Château de Chambord, nơi nó tồn tại cho đến sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.[58]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiếc bè của chiến thuyền Méduse http://www.britannica.com/EBchecked/topic/489488 http://www.maverick-arts.com/cgi-bin/MAVERICK?acti... http://www.getty.edu/art/exhibitions/david/ http://www.udel.edu/PR/UDaily/2007/nov/medusa11140... http://www.louvre.fr/en/oeuvre-notices/raft-medusa http://www.persee.fr/doc/outre_0399-1385_1953_num_... http://www.nga.gov/feature/artnation/vernet/index.... http://archive.artsmia.org/crossing-the-channel/hi... http://www.terraamericanart.org/exhibitions/index.... //www.worldcat.org/oclc/680871496